Ôn tập Ngữ văn 9 - Chuyên đề: Ôn tập thơ hiện đại Việt Nam
Bạn đang xem tài liệu "Ôn tập Ngữ văn 9 - Chuyên đề: Ôn tập thơ hiện đại Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
on_tap_ngu_van_9_chuyen_de_on_tap_tho_hien_dai_viet_nam.docx
Nội dung tài liệu: Ôn tập Ngữ văn 9 - Chuyên đề: Ôn tập thơ hiện đại Việt Nam
- 1 CHUYÊN ĐỀ : ÔN TẬP THƠ HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ( Văn bản : Sang thu – Hữu Thỉnh; Nói với con – Y Phương ) A.Văn bản: Sang thu – Hữu Thỉnh I.Kiến thức cơ bản: 1.Tác giả: - Hữu Thỉnh tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh. Ông sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. -Ông là nhà thơ chiến sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ. -Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội nhà văn Việt Nam. -Đề tài: +Trong chiến tranh: viết về người lính và hiện thực sôi động của chiến tranh. +Sau hòa bình: viết về con người , cuộc sống ở nông thôn và về mùa thu. -Phong cách : nhẹ nhàng, trong sáng, đậm màu sắc suy tưởng. -Các tác phẩm chính: “Từ chiến hào đến thành phố”; tập “ Trường ca biển” ; tập “Thư mùa đông” 2.Tác phẩm: a. Hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ: -Bài thơ được viết vào mùa thu năm 1977, hai năm sau ngày thống nhất đất nước. Người lính Hữu Thỉnh vừa bước ra từ cuộc chiến, thấy đời mình đã bắt đầu “sang thu”. -Được in trong tập “ Từ chiến hào đến đến thành phố” -1991. b. Bố cục: 3 phần -Phần 1: Khổ 1: Cảm xúc trước những tín hiệu giao mùa -Phần 2: Khổ 2: Cảm xúc trước sự biến chuyển của đất trời sang thu -Phần 3: Khổ 3 Những suy ngẫm về cuộc đời lúc chớm thu c. Ý nghĩa nhan đề: -Sử dụng phép đảo trật tự từ để nhấn mạnh khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên từ hạ sang thu. -Gợi suy ngẫm về khoảnh khắc “sang thu” của đời người ( chuyển giao từ tuổi trẻ sang độ tuổi thực từng trải, trưởng thành, vững vàng ) và của đất nước. 3. Giá trị nội dung:
- 2 -Bài “Sang thu” là sự cảm nhận tinh tế của tác giả về vẻ đẹp thiên nhiên với những bước chuyển mình từ hạ sang thu. Đồng thời, qua tác phẩm còn nói lên niềm xúc động, những suy ngẫm và triết lí trong khoảnh khắc giao mùa của nhà thơ. 4. Giá trị nghệ thuật: - Thể thơ năm chữ với giọng điệu trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết - Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên nhưng giàu sức gợi, độc đáo và mới lạ. -Biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ, thủ pháp đối lập II. Luyện tập: Các dạng bài thường gặp: Dạng 1: Câu hỏi Đọc – hiểu Dạng 2: Nghị luận xã hội Dạng 3:Nghị luận văn học. 1. Dạng bài đọc - hiểu: Thường xuất hiện ở vị trí đầu trong đề thi và thường có số điểm tối đa là 3 điểm. * Câu hỏi đọc hiểu gồm 2 phần: - Ngữ liệu đọc hiểu là các khổ thơ hoặc cả bài thơ - Các câu hỏi đọc hiểu: liên quan đến : +Tác giả, tác phẩm ( hoàn cảnh ra đời, xuất xứ) +Phương thức biểu đạt, thể thơ + Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ. +Giải nghĩa từ +Nội dung khổ thơ + Viết đoạn văn * Cách làm bài đọc – hiểu: - Bước 1:Đọc kĩ ngữ liệu -Bước 2: Đọc hết các câu hỏi một lượt, gạch chân dưới các từ trọng tâm. -Bước 3: Trả lời trực tiếp vào câu hỏi. Câu trả lời phải đảm bảo: chính xác, đầy đủ, ngắn gọn. Bài tập 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se
- 3 Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? b. Tìm từ láy được sử dụng trong đoạn thơ và giải thích nghĩa từ láy đó? c. Chỉ ra và gọi tên thành phần biệt lập có trong đoạn thơ, cho biết tác dụng của thành phần biệt lập đó. Gợi ý a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm: Sang thu Tác giả: Hữu Thỉnh b. Từ láy được sử dụng trong đoạn thơ là : chùng chình -Giải nghĩa : chùng chình : cố ý chậm lại c. Thành phần biệt lập : Hình như -Tác dụng : + Thể hiện sự mơ hồ, không chắc chắn, chưa dám tin hẳn vào sự hiện hữu của mùa thu. + Bộc lộ cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến trước khoảnh khắc giao mùa. Bài tập 2: Cho câu thơ sau:”Sông được lúc dềnh dàng” a. Hãy chép tiếp những câu thơ còn lại để hoàn thiện khổ thơ? Cho biết đoạn thơ em vừa chép nằm trong bài thơ nào? Tác giả là ai? b. Nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ. c. Em hãy chỉ ra các biện pháp tu từ có trong khổ thơ em vừa chép và nêu tác dụng? d. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh “ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”, bằng một đoạn văn ngắn có sử dụng thành phần biệt lập. Gợi ý: a. Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu - Đoạn thơ trên nằm trong bài Sang thu . Tác giả: Hữu Thỉnh b. Hoàn cảnh ra đời: bài thơ được viết vào mùa thu năm 1977, hai năm sau ngày đất nước độc lập, thống nhất.
- 4 c. Biện pháp nghệ thuật tu từ khổ thơ thứ 2 "Sang thu": - Biện pháp nhân hóa: + Sương chùng chình: Nghệ thuật nhân hóa, kết hợp với từ láy gợi hình, diễn tả hình ảnh dòng sông êm đềm lững lờ trôi như lắng lại phù sa, khác với hình ảnh dòng sông mùa hạ giông bão. + Chim vội vã - nghệ thuật nhân hóa gợi lên hình ảnh những đàn chim dường như cũng vội vã hơn bởi chúng cũng đã cảm nhận được hơi se lạnh của mùa thu. + “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”: Nghệ thuật nhân hóa độc đáo và thi vị nhất trong bài sang thu, đám mây như dải lụa mềm mại, uyển chuyển trên bầu trời, chiếc cầu nối mỏng manh giữa hai mùa. - Nghệ thuật đối: Sương chùng chình >< Chim vội vã - Vận động tương phản, tự nhiên muôn hình vạn trạng. → Nghệ thuật nhân hóa, đối khiến cho hình ảnh tự nhiên trở nên gần gũi, thân thuộc với con người, có sức truyền cảm tới người đọc cũng như gợi lên nhưng liên tưởng thú vị. d. Hình thức : viết lùi vào 1 ô và kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng -Nội dung: cảm nhận của em về vẻ đẹp của đám mây mùa hạ -Đoạn văn này không nên viết dài quá, ảnh hưởng đến thời gian làm bài mà kết quả không cao. -Sử dụng và gạch chân dưới thành phần biệt lập Tham khảo: Hình ảnh “đám mây mùa hạ” trong bài thơ “ Sang thu” của Hữu Thỉnh thật ấn tượng với hình ảnh đám mây lúc còn giăng mắc, vướng trên bầu trời. Hình ảnh “đám mây” vắt nửa mình sang thu được tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa thật đặc sắc, cho ta hình dung mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời. Hình ảnh “ đám mây” là danh giới vô hình nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu. Sự chia tay ấy thật lưu luyến, bâng khuâng không muốn dời xa. Hình ảnh “đám mây mùa hạ” cho ta thấy được sự cảm nhận tinh tế vừa khác lạ, vừa đẹp về mặt tạo hình, thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất, tâm hồn giao cảm với thiên nhiên. Chao ôi! Từ hình ảnh ấy, ta thấy được tình yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ thật trong treỏ và dịu êm biết bao. 2. Dạng 2: Viết đoạn văn nghị luận xã hội. - Vị trí trong đề thi:
- 5 + Đứng độc lập sau phần đọc- hiểu + Đi kèm trong phần đọc- hiểu -Vai trò , ý nghĩa: chiếm 1,5 – 2 điểm -Các dạng đề nghị luận xã hội thường gặp: Từ nội dung của bài thơ hoặc khổ thơ yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận về một chủ đề liên quan +Nghị luận về một sự việc hiện tượng , đời sống +Nghị luận về một vấn đề tư tưởng , đạo lí. *Cách làm : -Bước 1: Đọc kĩ đề, xác định vấn đề nghị luận. -Bước 2: Xác định vấn đề nghị luận đó thuộc kiểu bài nghị luận xã hội nào -Bước 3: Vận dụng kiến thức đã học về kiểu bài nghị luận xã hội đó để tìm ý, lập dàn ý, viết bài, đọc, sửa chữa. Bài tập 3: Từ khổ cuối của bài thơ “Sang thu”, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của em về sự trưởng thành. Gợi ý: -Kiểu bài: Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí -Vấn đề nghị luận: Sự trưởng thành -Tìm ý: + Khái quát nội dung đoạn thơ +Trưởng thành là gì? + Những biểu hiện cụ thể chứng minh cho sự trưởng thành? +Bàn luận, mở rộng vấn đề: khi một con người hèn nhát, né tránh khó khăn sẽ bị phê phán, lên án ra sao? + Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt) +Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào? Dàn ý: 1. Mở đoạn : Giới thiệu vấn đề nghị luận : sự trưởng thành 2. Thân đoạn: a. Khái quát nội dung khổ cuối bài thơ “Sang thu” Qua các hình ảnh ẩn dụ (nắng, mưa, sấm, hàng cây đứng tuổi), nhà thơ đã khái quát lên một quy luật: con người ta, trải qua nhiều biến cố sẽ trưởng thành, càng trưởng thành sẽ càng bình tĩnh, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn.
- 6 *Giải thích: Trưởng thành không chỉ là sự lớn lên về tuổi tác mà còn là sự lớn lên về nhận thức, sự chín chắn trong suy nghĩ, tính cách, tâm hồn. *Phân tích, chứng minh: +Sự trưởng thành chỉ có được khi con người ta tôi luyện trong khó khăn, thử thách, sóng gió của cuộc đời, bởi qua mỗi trải nghiệm, ta sẽ học được nhiều điều hay. Nếu không có trải nghiệm và sự tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ cả thành công và thất bại, ta mãi chỉ là những đứa trẻ to xác. +Đến một lúc nào đó, đủ trải nghiệm, ta sẽ đủ trưởng thành, trở nên bản lĩnh hơn, bình tĩnh, vững vàng hơn khi đối mặt và xử lí những khó khăn, biến động. *Bàn luận, mở rộng vấn đề : +Phê phán sự hèn nhát, né tránh khó khăn. *Bài học nhận thức và hành động +Khẳng định tầm quan trọng của sự dấn thân và trải nghiệm. +Học cách suy nghĩ tích cực khi đứng trước khó khăn, trở ngại. +Dám thử thách, dám thất bại để trưởng thành và thành công 3.Kết đoạn: Khẳng định, đánh giá vấn đề 3. Dạng 3: Viết bài văn nghị luận văn học - Tầm quan trọng của dạng bài nghị luận văn học: +Chiếm tỉ trọng số điểm cao nhất : 5 điểm +Kiểm tra được kiến thức tỏng hợp +Kiểm tra kiến thức tác phẩm +Kiểm tra tiếng Việt +Khả năng diễn đạt, trình bày. -Các dạng đề nghị luận văn học thường gặp: +Phân tích, cảm nhận nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. +Phân tích, cảm nhận nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ. *Các bước làm: +Bước 1: Tìm hiểu đề và tìm ý +Bước 2 Lập dàn ý +Bước 3: Viết bài +Bước 4: Đọc, kiểm tra sửa chữa *Dàn bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ:
- 7 + Mở bài: Giới thiệu tác giả, giới thiệu đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nêu nhận xét đánh giá của mình . +Thân bài: Suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ. +Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ bài thơ. *Cách tổ chức, triển khai luận điểm: + Nêu các nhận xét, đánh giá và sự cảm nhận riêng của người viết gắn với sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung cảm xúc của tác phẩm. *Yêu cầu hình thức :Bài viết có đủ 3 phần mở, thân, kết thể hiện rõ kỹ năng làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu hợp lí, rõ ràng, cân đối; diễn đạt lưu loát có chất văn; chữ viết cách trình bày sạch đẹp. Đề 1:( Đề thi vào 10 tỉnh Bắc Ninh năm 2013-2014) Cảm nhận của em về vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa qua hai khổ thơ sau: Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sáng thu (Sang thu-Hữu Thỉnh) Gợi ý: *Tìm hiểu đề, tìm ý: -Tìm hiểu đề: +Kiểu bài: Nghị luận về đoạn thơ. +Đối tượng: Vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa qua hai khổ thơ bài Sang thu, những cảm nhận tinh tế của tác giả. +Phạm vi: khổ 1, khổ 2 bài Sang thu của Hữu Thỉnh -Tìm ý: +Khổ 1: Những cảm nhận ban đầu về cảnh sang thu của đất trời
- 8 +Khổ 2: Không gian cảnh vật như đang chuyển mình điềm tĩnh bước sang thu. *Dàn ý: 1. Mở bài:Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm -Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, thơ ông thường viết về con người, cuộc sống ở làng quê, về mùa thu. -Hai khổ thơ đầu trong bài “Sang thu” thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu, những cảm nhận tinh tế của tác giả. 2. Thân bài: Luận điểm 1: Vẻ đẹp thiên nhiên trong khổ đầu Khổ 1 của bài thơ đã thể hiện những biến đổi của đất trời phút giao mùa: Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về. -Hương ổi thơm ngào ngạt phả vào trong không gian thơm nồng quyến rũ, hòa vào gió se (gió heo may khe khẽ, hơi lạnh của mùa thu) lan tỏa tạo ra một mùi thơm ngọt mát của trái ổi chín vàng –hương thơm nồng nàn hấp dẫn ở nông thôn Việt Nam. -Cùng với gió se là những hạt sương nhỏ li ti giăng mắc nhẹ nhàng như “cố ý” chuyển động chầm chậm sang thu. Sương chùng chình qua ngõ –cái ngõ thực và cái ngõ của thời gian thông giữa hai mùa, cái ngõ của cuộc đời đã bước vào thu có cái gì như tiếc nuối, bang khuâng. -Kết hợp một loạt các từ : “ bỗng –phả -hình như” thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bang khuâng, quyến luyến. Cảm nhận tinh tế của tâm hồn thi sĩ biến chuyển nhịp nhàng với phút giao mùa của cảnh vật. Từng cảnh thu của tạo vật đã thấp thoáng hồn người sang thu: chùng chình, bịn rịn, lưu luyến, bang khuâng, chín chắn, điềm đạm. =>Khổ thơ nói lên những cảm nhận ban đầu về cảnh sang thu ccuar đất trời. Thiên nhiên được cảm nhận từ những gì vô hình (hương, gió) mờ ảo (sương chùng chình), nhỏ hẹp và gần(ngõ) Luận điểm 2: Vẻ đẹp thiên nhiên trong khổ thơ thứ hai Bức tranh thu từ những gì vô hình chuyển sang những hình ảnh cụ thể hữu hình với không gian rộng dài, cao xa vời vợi:
- 9 Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vặt nửa mình sang thu -Dòng sông thướt tha mềm mại, hiền hòa trôi một cách nhàn hạ, thanh thản, gợi lên vẻ đẹp êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu. -Những cánh chim chiều bắt đầu vội vã tìm về tổ trong buổi hoàng hôn (không còn nhởn nhơ rong chơi hoài bởi tiết trời mùa hạ). -Hình ảnh đám mây mùa hạ với sự cảm nhận đầy thú vị, sự liên tưởng độc đáo “vắt nửa mình sang thu”: cảm giác giao mùa được diễn tả cụ thể và tinh tế bằng một hình ảnh đám mây của mùa hạ cũng như đang bước vào ngưỡng cửa của mùa thu. Khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu như có ranh giới cụ thể, hữu hình không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn là sự cảm nhận bằng chính tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết của nhà thơ. => Bằng sựu cảm nhận qua nhiều giác quan, sự liên tưởng thú vị bất ngờ, với tâm hồn nhạy cảm tinh tế của tác giả, tất cả không gian cảnh vật như đang chuyển mình điềm tĩnh bước sang thu. Luận điểm 3: Nghệ thuật: - Thể thơ năm chữ với giọng điệu trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết - Ngôn ngữ, hình ảnh thơ giản dị, tự nhiên nhưng giàu sức gợi, độc đáo và mới lạ. - Biện pháp tu từ nhân hóa, đối lập 3. Kết bài: Đánh giá: -Hai khổ thơ là bức tranh thiên nhiên mùa thu đất trời quê hương hiện lên nhẹ nhàng , trong sáng gợi cuộc sống yên ả, thanh bình. Nét dặc sắc của khổ thơ là vẻ đẹp cảnh vật thiên nhiên hiện lên trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu và ở trạng thái chuyển động. Cảnh mang tâm trạng con người. -Bức tranh thiên nhiên mang lại sự rung cảm sâu sắc trong lòng người đọc, giúp mỗi người có tình yêu thiên nhiên, cảm nhận tinh tế trước những khoảnh khắc giao mùa . III. Những lỗi học sinh thường mắc 1. Xác định không đúng yêu cầu đề bài
- 10 Một trong những lỗi mà các em học sinh thường hay mắc phải khi làm bài thi môn Văn vào lớp 10 là việc xác định không đúng yêu cầu đề bài dẫn đến: Nhẹ thì xa đề, nặng thì sai đề và lệch đề hoàn toàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi sai này: Có thể các em còn gặp phải yếu tố tâm lý, vào phòng thi thấy căng thẳng, áp lực do sự chuẩn bị ôn luyện chưa kỹ; còn tình trạng học tủ, học vẹt, rập khuôn kiến thức máy móc, Do vậy, sau khi nhận được đề thi, các em lấy bút gạch chân vào những cụm từ chính, những “từ khóa” trong đề bài. Nên dành ra khoảng 5 – 10 phút để gạch dàn ý sơ lược bài làm ra nháp, đối với các câu nghị luận thì xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ cho rõ ràng, mạch lạc rồi mới bắt tay vào làm bài. 2. Thừa - thiếu ý Cấu trúc đề thi văn vào lớp 10 bao gồm 3 câu: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Mỗi câu sẽ có những yêu cầu riêng về cách trả lời cũng như trình bày. Tuy nhiên, nhiều em vẫn chưa nắm rõ để có thể phân bổ thời gian hợp lý, dẫn đến một số lỗi sai “điển hình” sau: Trả lời sơ sài, thiếu ý Rất nhiều học sinh thường quen kiểu trả lời trực tiếp, đôi khi có phần rất ngắn gọn mà không hề có phân tích hay trích dẫn gì cả. Các em học sinh lưu ý: Dù môn Văn cũng có đáp án và thang điểm chấm riêng, nhưng với đặc thù là môn khoa học xã hội nên không chỉ cần trả lời đúng mà câu trả lời còn cần phải có đủ chủ ngữ - vị ngữ, lời dẫn vào đề tuy ngắn nhưng là một trong những điểm cộng để giám khảo đánh giá cao câu trả lời của các em và giành điểm tối đa. Nghị luận xã hội sa vào kể chuyện, thừa ý, thiếu dẫn chứng Câu nghị luận xã hội (viết khoảng 1 trang giấy thi) phản ánh suy nghĩ, quan điểm của các em học sinh về một hiện tượng, một ý kiến hay một vấn đề “nóng” đang xảy ra trong xã hội, Một bài văn nghị luận xã hội phải có đủ hệ thống luận điểm, luận cứ và dẫn chứng để gia tăng tính thuyết phục cho bài văn. Song rất nhiều em khi làm văn nghị luận xã hội thường sa vào kể chuyện, đưa ra rất nhiều ý kiến và dẫn chứng thiếu xác đáng và thuyết phục.
- 11 Các em học sinh cần lưu ý: Các dẫn chứng đưa ra không cần nhiều nhưng phải được chọn lọc, vừa đảm bảo tính chính xác, tiêu biểu và sát hợp với vấn đề cần nghị luận; số lượng dẫn chứng đưa ra phải luôn đi kèm với chất lượng, đi sâu phân tích chứ không làm bài theo kiểu liệt kê. 3. Không tuân thủ các nguyên tắc khi trình bày bài thi Tẩy xóa, sử dụng nhiều màu mực trong bài thi, chữ viết ẩu, khó đọc, là những lỗi sai cơ bản trong trình bày bài thi khiến các em bị “mất điểm” rất lớn đối với giám khảo chấm thi. Trong quá trình làm bài, có một số lưu ý như sau: Chú ý những lỗi chính tả; trình bày sạch đẹp: Dấu hỏi, dấu ngã, các âm cuối, lỗi viết hoa, các em không cần viết quá đẹp nhưng quan trọng là chữ viết phải rõ ràng, dễ đọc, sử dụng một màu mực duy nhất trong bài thi, nếu không rất dễ bị đánh dấu bài. Cố gắng viết các ý chính cần triển khai ra giấy nháp để tránh sót ý, lặp ý, bài văn có trình tự logic và khoa học. Phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý. Các em có 120 phút là khoảng thời gian đủ để trả lời hết các câu hỏi. Đừng quá sa đà vào bất kì câu nào trong bài dẫn đến không đủ thời gian, các câu sau sẽ bị thiếu ý, bài viết sơ sài! IV. Bài tập vận dụng: Bài tập 1: Dạng Câu hỏi Đọc –hiểu: Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi. (SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 70) a) Em hiểu như thế nào về các hình ảnh “nắng”, “mưa”, “sấm”, “hàng cây đứng tuổi”? b) Nêu nghĩa tường minh và hàm ý của hai dòng thơ cuối bài. c) Trong hai dòng thơ cuối bài, tác giả sử dụng những biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của các biện pháp đó. d) Các từ “vẫn”, “đã”, “cũng” thuộc loại từ gì? Nêu tác dụng của các từ đó trong khổ thơ. Bài tập 2: Dạng nghị luận xã hội
- 12 Từ bài thơ “ Sang thu” em có suy nghĩ gì về thành công và thất bại trong cuộc sống ? Hãy viết đoạn văn ngắn bàn về vấn đề này. Bài tập 3: Dạng nghị luận văn học Đề bài : Phân tích bài thơ Sang thu để thấy được vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên lúc sang thu và những cảm xúc , suy tưởng của nhà thơ. B. Văn bản : Nói với con –Y Phương I. Kiến thức cơ bản: 1. Tác giả: - Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948, dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. -Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 rồi trở về công tác tại Sở văn hóa- Thông tin Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thật Cao Bằng. - Đề tài: Thơ ông là tiếng hát ngợi ca con người và cuộc sống miền núi, là sự thức tỉnh ý thức dân tộc, khẳng định sức sống mạnh mẽ của dân tộc mình. -Phong cách: Thơ Y Phương thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi, luôn dạt dào tình yêu thương và lòng nhân ái. - Tác phẩm chính : Người núi hoa ( 1982), Tiếng hát tháng giêng (1986), Lửa hồng một góc ( 1987), Đàn Then ( 1996), Thơ Y Phương ( 202). - Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước với các tác phẩm : Tiếng hát tháng giêng, Chín tháng, lời chúc - Năm 2007, Y Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 2. Tác phẩm: a) Hoàn cảnh sáng tác: - Bài thơ “ Nói với con” của Y Phương được sáng tác năm 1980 trong hoàn cảnh đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Bài thơ là lời tâm sự của Y Phương với con gái đầu lòng. -In trong tập Thơ Việt Nam 1945 – 1975 b. Bố cục:
- 13 Phần 1: Từ đầu đến “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”: Nói với con về cội nguồn sinh dưỡng. Phần 2:Tiếp cho đến phong tục : Nói với con về những phẩm chất cao quí của người đồng mình . Phần 3: Lời dặn dò của cha c. Mạch cảm xúc: -Bài thơ đi từ tình cảm gia đình mở rộng ra là tình cảm quê hương từ những kỉ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên lẽ sống. d. Thể thơ : Tự do. 3. Giá trị nội dung: -Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. -Bộc lộ niềm tự hào về truyền thống cần cù, sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. -Thể hiện tình yêu thương con sâu nặng cha dành cho con. -Bài thơ như một lời tâm sự với chính mình để động viên mình, đồng thời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau về lối sống nghĩa tình, thủy chung, ý chí vươn lên trong cuộc đời. 4. Giá trị nghệ thuật: - Giọng điệu thiết tha, trìu mến ( thể hiện rõ nhất ở các lời gọi mang ngữ điệu cảm thán, lời tâm tình, dặn dò ) - Thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên. Xây dựng các hình ảnh cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. - Các biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau góp phần diễn tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện tình cảm của người miền núi. - Bố cục chặt chẽ, sử dụng nhiều thành ngữ gần gũi, giản dị như lời nói thường ngày của người miền núi. II. Luyện tập: Bài tập 1: Dạng 1: Đọc –hiểu Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: “Chân phải bước tới cha Chân trái bước tới mẹ
- 14 Một bước chạm tiếng nói Hai bước tới tiếng cười Người đồng mình yêu lắm con ơi Đan lờ cài nan hoa Vách nhà ken câu hát Rừng cho hoa Con đường cho những tấm lòng Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời (SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 72) a. Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Tác dụng của việc sử dụng thể thơ đó? b. Tác giả đã chỉ ra cội nguồn sinh dưỡng của con là những yếu tố nào? c. Nhận xét về cách sử dụng từ ngữ ở bốn câu thơ đầu. d. Em hiểu thế nào về cụm từ “người đồng mình”? e. Cuộc sống của “người đồng mình” được tái hiện qua những hình ảnh nào? Qua đó, em có cảm nhận gì về vẻ đẹp của họ? g. Tìm các thành phần biệt lập có trong khổ thơ. h. Chỉ rõ các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ và nêu tác dụng của chúng. i. Câu thơ “Rừng cho hoa” khiến em liên tưởng đến những câu thơ nào trong một bài thơ đã học ở chương trình Ngữ văn 9 cũng nói về sự hào phóng của thiên nhiên dành cho con người? Cho biết tên tác giả. Gợi ý: a. “Nói với con” được viết theo thể thơ tự do với những câu dài, ngắn khác nhau, rất linh hoạt, phù hợp với việc giãi bày, tâm sự. Nhờ đó, nhà thơ dễ dàng bộc bạch tâm tư, xúc cảm, khi ân cần, tha thiết, trầm lắng, khi mạnh mẽ, nghiêm khắc. b. Nguồn cội sinh thành và nuôi dưỡng con là gia đình (4 câu đầu và 2 câu cuối khổ 1) với tình yêu sâu sắc, vĩ đại của cha mẹ; là quê hương – nơi có những “người đồng mình” chăm chỉ, khéo léo trong lao động, có tâm hồn phóng khoáng, lạc quan nơi có núi rừng tươi đẹp, hào phóng. c. Ở 4 câu đầu, nhà thơ có cách diễn đạt rất đặc biệt: “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười”. Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác – tiếng cười phải cảm nhận bằng
- 15 thính giác nay được tác giả cảm nhận bằng xúc giác – đã khắc họa hình ảnh em bé đang chập chững tập đi thật dễ thương; đồng thời hữu hình hóa niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ. Cấu trúc đối xưng giữa các cặp câu (1-2, 3-4) tạo âm điệu tươi vui cho đoạn thơ. d. “Người đồng mình” là người vùng mình, người miền mình – những người cùng sống trên một miền đất, cùng một quê hương, cùng dân tộc. e. Cuộc sống của “người đồng mình” được tái hiện qua những hình ảnh: Đan lờ cài nan hoa Vách nhà ken câu hát Câu thơ trên gợi đôi bàn tay cần cù, khéo léo, tài hoa trong lao động của con người. Câu sau tả thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của người đồng mình: vách nhà không chỉ được ken bằng gỗ mà còn được ken bằng những câu hát say sưa; qua đó gợi tâm hồn lạc quan của người đồng mình. g. Các thành phần biệt lập ở khổ 1: - Thành phần gọi – đáp: “con ơi”. - Thành phần phụ chú: “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”. h. Các biện pháp tu từ trong khổ 1: - Điệp cấu trúc giữa các cặp câu 1 và 2, 3 và 4, 8 và 9 tạo sự nhịp nhàng cho đoạn thơ. - Điệp ngữ “bước tới” và hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “chạm tiếng nói”, “tới tiếng cười” đã khắc họa hình ảnh em bé tập đi, đồng thời hữu hình hóa niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ. - Hình ảnh ẩn dụ “đan lờ cài nan hoa” (những chiếc nan tre dưới bàn tay của “người đồng mình” trở nên đẹp đẽ như nan hoa) cho thấy sự khéo léo, tài hoa của “người đồng mình” trong lao động, đồng thời bộc lộ niềm tự hào của nhà thơ về “người đồng mình”. - Hình ảnh ẩn dụ “vách nhà ken câu hát” (vách nhà không chỉ được ken bằng gỗ mà còn được ken bằng những câu hát) gợi tâm hồn lạc quan của người đồng mình/ - Phép nhân hóa “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”, từ “cho” điệp lại 2 lần khiến thiên nhiên quê hương hiện lên thật gần gũi, nghĩa tình; đồng thời nhấn mạnh sự hào phóng của thiên nhiên: ban tặng cho con người những gì quý giá nhất.
- 16 i. Liên hệ câu thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận: “Biển cho ta cá như lòng mẹ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào Bài tập 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: “Con ơi tuy thô sơ da thịt Lên đường Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con” a. Tìm thành phần biệt lập trong đoạn trích trên? b. Điều lớn lao mà người cha muốn truyền cho con qua những lời thơ ấy là gì? c. Em hãy tìm ít nhất hai văn bản nói về tình cảm gia đình trong chương trình Ngữ văn 9. Nêu tên tác giả, văn bản? d. Theo em việc dùng từ phủi định trong đoạn thơ “Không bao giờ được nhỏ bé được” nhằm khẳng định điều gì? Gợi ý: a. Từ “Con ơi” thuộc thành phần biệt lập: gọi- đáp b. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn tryền cho con qua những lời thơ ấy là: Cha nhắc con “lên đường” đến những chân trời mới, dù ở bất cứ đâu cũng không được sống tầm thường, nhỏ bé, phải luôn giữ lấy cốt cách giản dị, ý chí, nghị lực của người đồng mình và có niềm tin vững bước trên đường đời. c. Hai văn bản nói về tình cảm gia đình trong chương trình Ngữ văn 9 là: Văn bản : Chiếc lược ngà” ( Nguyễn Quang Sáng), “ Bếp lửa” ( Bằng Việt) d. Việc dùng từ phủ định trong đoạn thơ “Không bao giờ nhỏ bé được” nhằm khẳng định điều lời nhắn nhủ của người cha với con về ý chí, lòng tự tôn, tự hào về dân tộc, quê hương của mình. Phải có ý chí, có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, vượt qua thách thức, tự tin vững bước trên đường đời, không yếu hèn, hẹp hòi, ích kỉ, sống sao cho xứng đáng với truyền thống quê hương. Bài tập 3: Dạng bài nghị luận xã hội: Đề bài: Từ bài thơ “Nói với con”, hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 300 chữ trình bày suy nghĩ của em về vai trò của quê hương đối với mỗi con người Gợi ý: 1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận
- 17 2.Thân đoạn: *Khái quát ngắn gọn về bài thơ “Nói với con”(1-2 câu) Bài thơ “Nói với con” của Y Phương đã cho thấy cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn con người là gia đình và quê hương. Trong đó, quê hương có vai trò và ảnh hưởng tới mỗi con người. *Giải thích Quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình, họ hàng, những người ta yêu thương nhất, gắn bó những kỉ niệm êm đềm thời thơ ấu. *Phân tích vai trò của quê hương -Quê hương là nơi ta lớn lên, nơi bồi đắp cho mỗi người những giá trị tinh thần và phẩm chất cao quý: tình làng xóm, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, Đó là những phẩm chất cần có để con người tồn tại và được ghi nhận, được trân trọng trong xã hội. -Cũng như gia đình, quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên, là nơi ta trở về sau những ngày tháng bôn ba ngoài cuộc đời rộng lớn. *Bàn luận -Mỗi người đều có một quê hương, đều thuộc về một đất nước, một dân tộc và ảnh hưởng bởi nếp nghĩ, nếp sống của quê hương, xứ sở. Ngược lại, mỗi cá nhân cũng góp phần tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần cho nơi mình sinh ra và lớn lên. -Phê phán những kẻ phản bội, quay lưng với quê hương. 3.Kết đoạn: Bài học -Phải bồi đắp tình yêu quê hương, đề cao lối sống nghĩa tình, thủy chung, uống nước nhớ nguồn. -Mỗi người đều phải có trách nhiệm cống hiến xây dựng, phát triển quê hương. -Tình yêu quê hương lớn dần lên sẽ trở thành tình yêu Tổ quốc. -Nêu phương hướng rèn luyện của bản thân. Bài tập 4: Dạng nghị luận văn học Đề bài: ( Đề thi vào 10 tỉnh Bắc ninh năm 2014-2015) Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Chân phải bước tới cha Chân trái bước tới mẹ
- 18 Một bước chạm tiếng nói Hai bước chạm tiếng cười Người đồng mình yêu lắm con ơi Đan lờ cài nan hoa Vách nhà ken câu hát Rừng cho hoa Con đường cho những tấm lòng Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời. (Nói với con – Y Phương) Gợi ý: Tìm hiểu đề: -Kiểu bài: nghị luận về một đoạn thơ -Vấn đề nghị luận: tình cảm gia đình, cha con, cội nguồn sinh dưỡng của con người và ý thức sống. -Phạm vi: Khổ 1 bài Nói với con Dàn ý: 1.Mở bài: Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm: - Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Bài thơ Nói với con thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mãnh liệt của quê hương dân tộc và những ước mong của cha đối với con. - Đoạn thơ là lời nói của cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng và những gửi gắm thầm kín của người cha ở nơi con. 2.Thân bài: a.Con lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, nâng đón của cha mẹ. - Không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt ngập tràn tình yêu thương và âm thanh tiếng nói, tiếng cười của con thơ tạo ra âm điệu tươi vui, quấn quýt. Người đọc còn cảm nhận được trong hình ảnh thơ một khung cảnh cụ thể với ánh mắt trìu mến , vòng tay âu yếm của cha mẹ, bước chân chập chững của con thơ.
- 19 - Trong khung cảnh tươi vui đầm ấm ấy, ta thấy rõ tình thương yêu của cha mẹ dành cho con: từng bước đi, tiếng nói của con đều được cha mẹ chăm chút, nâng niu, mừng vui đón nhận. b.Lời tâm tình với con của người cha. - Con lớn lên trong cuộc sống cần cù, tười vui của người đồng mình. Cuộc sống ấy được gợi lên qua những hình ảnh đẹp: Đan lờ cài nan hoa, vách nhà ken câu hát. Các từ cài, ken vừa diễn tả động tác khéo léo, vừa phác họa một cuộc sống lao động gắn bó hòa quyện niềm vui. - Rừng núi quê hương cũng thật thơ mộng và nghĩa tình đã chở che, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống. Rừng cho hoa-hoa là vẻ đẹp thiên nhiên, núi rừng ban tặng cho người đồng mình; Con đường cho những tấm lòng-con đường là không gian, môi trường sống, là truyền thống tốt đẹp của quê hương đã nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn con lớn lên. Cách nói mộc mạc nhưng giàu chất thơ, giàu ý nghĩa, người cha muốn truyền thấm cho con khi lớn lên hãy hiểu quê hương mình-một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và tọng nghĩa tình. - Người cha nhắc với con kỷ niệm về ngày cưới của cha mẹ để mong con luôn nhớ: Mình sinh ra và lớn lên trong tình yêu và hạnh phúc gia đình. Tình yêu của cha mẹ, nghĩa tình của quê hương sẽ ôm ấp va nâng đỡ con trọn đời. c.Vài nét về nghệ thuật - Giọng điệu thiết tha, trìu mến, câu thơ Người đồng mình yêu lắm con ơi mang ngữ điệu cảm than, bộc lộ tình yêu thiên nhiên tha thiết. - Xây dựng các hình ảnh cụ thể mà có sức khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ, cách dùng từ ngữ giản dị, chân chất theo phong cách người dân tộc. - Bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên; một số các biện pháp tu từ như: phép lặp, đối xứng, được tác giả dùng thành công trong việc thể hiện nội dung đoạn thơ. 3.Kết bài: Đánh giá Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Y Phương. Tâm hồn người miền núi nói riêng và người Việt nói chung được biểu hiện thật trong sáng, chân thực và đầy sức mạnh. Những chân lý giản dị mộc mạc về giá trị con người được tái tạo trong một thứ ngôn ngữ dễ hiểu, dễ nhớ nhưng đầy cảm xúc. III. Những lỗi thường mắc phải: như bài trên IV.Bài tập vận dụng